Cuộc sống hoàng gia Theodora_(hoàng_hậu_của_Justinianus_I)

Justinian trên tranh khảm cùng thời ở Vương cung thánh đường San Vitale, Ravenna

Trở thành Hoàng hậu và Augusta

Khi Justinian kế vị ngai vàng vào năm 527, hai năm sau khi kết hôn, Theodora trở thành Hoàng hậu của Đế chế Đông La Mã. Bà cùng ông chia sẻ các kế hoạch và chiến lược chính trị, tham gia các hội đồng nhà nước và Justinian gọi bà là "người đồng hành trong các buổi nghị luận" của ông.[12] Bà có triều đình riêng, đoàn tùy tùng chính thức và con dấu hoàng gia của riêng mình.[13]

Các cuộc bạo loạn Nika

Theodora đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo xứng đáng và có năng lực trong các cuộc bạo loạn Nika. Có hai phe phái chính trị đối thủ trong Đế quốc là phe Xanh và phe Lục, xuất phát từ môn thể thao đua xe ngựa, đã bắt đầu một cuộc bạo loạn vào tháng 1 năm 535 trong một buổi đua xe ngựa. Các cuộc bạo loạn bắt nguồn từ nhiều bất bình, một số trong đó xuất phát từ hành động của chính Justinian và Theodora.[14]

Những kẻ bạo loạn đã đốt cháy nhiều tòa nhà công cộng, và tuyên bố lập một hoàng đế mới, Hypatius, cháu trai của cựu hoàng đế Anastasius I. Không thể kiểm soát đám đông, Justinian và các quan chức của mình chuẩn bị rời đi. Tại một cuộc họp hội đồng chính phủ, Theodora đã lên tiếng phản đối việc rời khỏi cung điện và tuyên bố thà chết đi như một vị quân chủ còn hơn là sống lén lút như một kẻ lưu vong, và được cho là đã phát biểu rằng, "màu tím hoàng gia là tấm vải liệm cao quý nhất".[15]

Khi hoàng đế và các cố vấn của ông vẫn đang chuẩn bị kế hoạch của họ, Theodora đã ngắt lời và tuyên bố:

"Các lãnh chúa của tôi, tình huống này quá nghiêm trọng để bắt tôi phải tuân thủ quy ước rằng một người phụ nữ không nên phát biểu trong một hội đồng của đàn ông. Những người có lợi ích bị đe dọa bởi sự nguy hiểm cao độ chỉ nên nghĩ về cách hành động khôn ngoan nhất, chứ không phải về các quy ước. Theo tôi, chạy trốn không phải là một hành vi phù hợp, ngay cả khi nó sẽ đưa chúng ta đến nơi an toàn. Không có ai được sinh ra trên đời mà không phải chết; nhưng không ai chấp nhận được một vị quân vương đào vong. Tôi thà chết thay vì bị lột bỏ chiếc áo choàng màu tím này, hay không còn được tôn xưng là hoàng hậu. Nếu Ngài muốn tự cứu lấy mình, thưa Chúa thượng, không có gì khó cả. Chúng ta giàu có; đằng kia là biển, và ngoài đó là những con thuyền. Tuy nhiên, Ngài hãy nghĩ xem, một khi Ngài đã trốn thoát được đến nơi an toàn, Ngài sẽ không bao giờ sẵn sàng đánh đổi sự an toàn để lấy cái chết. Còn đối với riêng tôi, tôi đồng ý với câu ngạn ngữ rằng màu tím hoàng gia là tấm vải liệm cao quý nhất."[16]

Bài phát biểu kiên định của bà đã thuyết phục tất cả, kể cả chính Justinian, người đã chuẩn bị tháo chạy. Do đó, Justinian đã ra lệnh cho quân đội trung thành của mình, dẫn đầu bởi các sĩ quan, Belisarius và Mundus, tấn công những người biểu tình trong trường đua ngựa, giết chết (theo Procopius) hơn 30.000 phiến quân. Hypatius cho rằng mình bất đắc dĩ bị đám đông tôn là hoàng đế, song ông ta vẫn bị xử tử, hiển nhiên là do áp lực từ phía Theodora.[17]

Cuộc sống sau này

Hoàng hậu Theodora tại Colosseum, tranh sơn dầu của Jean-Joseph Benjamin-Constant

Sau cuộc bạo loạn Nika, Justinian và Theodora đã tái thiết và cải tổ Constantinople và biến nó thành thành phố lộng lẫy nhất mà thế giới từng thấy trong nhiều thế kỷ, xây dựng hoặc xây dựng lại các cầu, cống và hơn hai mươi lăm nhà thờ. Công trình vĩ đại nhất trong số này là Hagia Sophia, được coi là mẫu mực của kiến trúc Byzantine và là một trong những kỳ quan kiến trúc của thế giới.

Theodora luôn luôn đúng giờ trong các nghi lễ triều đình. Theo Procopius, cặp vợ chồng Hoàng gia đã khiến tất cả các nguyên lão, bao gồm cả các quý tộc, phủ phục trước họ bất cứ khi nào họ xuất hiện, và làm rõ rằng mối quan hệ của họ với quân đội là của chủ nhân và nô lệ.

Không có bất kì ai, kể cả các quan chức triều đình, có thể diện kiến Hoàng hậu mà không tốn nhiều thời gian hay công sức. Họ bị đối xử như người hầu và bị bắt chờ đợi rất lâu trong một gian phòng chật chội. Sau nhiều ngày, một số họ có thể may mắn được tuyên triệu. Họ diện kiến Hoàng hậu trong sợ hãi và lui ra nhanh chóng. Họ biểu thị tôn kính bằng việc quỳ rạp xuống đất và hôn chân bà; không kẻ nào được phép phát ngôn hay thỉnh cầu mà không có sự đồng ý của bà. Các quan chức bị coi như nô lệ, còn bà là chủ nhân.

Họ cũng giám sát chặt chẽ các pháp quan, hơn hẳn với các hoàng đế trước đây, có thể là để hạn chế quan liêu tham nhũng.

Theodora cũng có thế lực của riêng mình. Hoạn quan Narses, sau này khi về già đã trở thành một vị tướng tài giỏi, là người được bà bảo trợ, cũng như nhà tiên tri Peter Barsymes. John người Cappadocia, quan thu thuế trưởng của Justinian, được xem như kẻ thù của bà vì những ảnh hưởng của mình, đã bị Theodora và Antonina âm mưu hạ bệ. Bà tham gia việc mai mối hôn nhân nhằm tạo thành một mạng lưới liên minh giữa các thế lực cũ, đại diện bởi gia đình của Hoàng đế Anastasius và giới cựu quý tộc, và giới tân quý là họ hàng của Justinian và bà. Theo Bí sử, bà đã cố ép cháu trai Anastasius của mình kết hôn với Joannina, con gái và người thừa kế của Belisarius và Antonina, trái với ý muốn của cha mẹ cô, mặc dù cuối cùng hai người đã yêu nhau. Cuộc hôn nhân của cháu gái bà Sophia với cháu trai Justin II của Justinian, người kế vị ngai vàng, bị nghi ngờ là do Theodora thức giục.

Theodora tham gia vào các cải cách pháp lý và tôn giáo của Justinian. Vào năm 535 sau Công nguyên, bà được công khai biết đến là đang cho ra đời một đạo luật chống tham nhũng và các quan chức cấp tỉnh phải tuyên thệ với bà cũng như với hoàng đế.

Bà có vai trò đáng kể trong việc giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn, "được biết đến với việc mua những cô gái bị bán vào nhà thổ, giải thoát họ và cho họ cuộc sống mới."[18] Bà đóng cửa các nhà thổ và khép môi giới mại dâm vào tội hình sự. Bà đã thành lập một tu viện ở phía châu Á của Dardanelles được gọi là Metanoia (Ăn năn), nơi các cô gái điếm cũ có thể sinh sống.[10] Bí sử của Procopius cho rằng thay vì ngăn chặn nạn mại dâm cưỡng bức, Theodora được cho là đã bắt 500 gái mại dâm và giam giữ họ trong một tu viện. Họ tìm cách trốn thoát bằng cách nhảy qua các bức tường. Mặt khác, John Malalas, người chép sử cùng thời của ông, đã viết rằng bà "đã giải phóng các cô gái khỏi ách nô lệ."[19] Một thế kỷ sau, John của Nikiu đã nhận thấy các tác động tích cực của nó, ghi lại rằng Theodora đã "chấm dứt nạn mại dâm của phụ nữ và ra lệnh trục xuất họ khỏi mọi nơi."

Các cơ quan lập pháp của Justinian cũng tăng thêm quyền lợi cho phụ nữ trong việc ly hôn và sở hữu tài sản, đưa ra án tử hình cho tội hiếp dâm, cấm vứt bỏ trẻ sơ sinh, trao cho người mẹ một số quyền giám hộ đối với con cái của họ và cấm giết vợ trong trường hợp ngoại tình. Mặc dù sự liên quan cụ thể của bà trong những cải cách pháp lý này không được ghi lại,[20] Procopius, trong Chiến tranh, đã đề cập rằng bà có khuynh hướng tự nhiên giúp đỡ những người phụ nữ bất hạnh, và theo Bí sử, bà đã đứng về phía những người vợ khi họ bị buộc tội ngoại tình (SH 17).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Theodora_(hoàng_hậu_của_Justinianus_I) http://womenshistory.about.com/library/bio/blbio_t... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/590611 http://www.rhm.uni-koeln.de/pdf/147-1_RhM/10-RHM-1... http://www.fordham.edu/halsall/basis/procop-anec.h... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.ucd.ie/cai/classics-ireland/1996/Dauphi... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p072773170 http://www.ccel.org/g/gibbon/decline/volume2/index... //doi.org/10.2307%2F25528291